6 CÁCH NÂNG TẦM BẢN THÂN TRONG CÔNG VIỆC

Chúng ta thường cảm thấy dễ dàng khi để ai đó góp ý những điều cần bản thân phải cải thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để bạn có thể hoàn thành công việc tốt hơn mỗi ngày mà không cần trông chờ vào sự đánh giá của người khác. Dưới đây là 6 cách giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn, nâng tầm bản thân trong công việc.

1. Cải thiện điểm yếu

Nghiên cứu cho thấy 97% trong số chúng ta có thể dễ dàng xác định được điểm hạn chế của bản thân. Tuy nhiên, chỉ có 10% cho thấy được sự thay đổi sau một năm. Hầu hết, chúng ta đều nhận ra những điểm yếu của mình, nhưng không phải lúc bản thân cũng đủ dũng khí để thực sự khắc phục chúng.

Để cải thiện điều này, bạn cần xác định được những khoảnh khắc khiến bản thân lo lắng và hãy suy nghĩ về chúng. Ví dụ, bạn sợ hãi vì phải thực hiện một bài thuyết trình quan trọng tại công ty, bạn không chỉ bị phân tâm mà còn tạo ra một phản ứng theo thói quen đối với sự lo lắng và căng thẳng cứ mỗi khi đến lượt thuyết trình.

Những lúc như vậy, hãy chú ý đến điều đó. Hãy thay thế hành vi kém hiệu quả đó một cách có chủ ý bằng một hành động khác và có mục đích rõ ràng. Chẳng hạn, bạn có thể uống nước, hít thở sâu để thư giãn và tìm những gì có thể thay thế nỗi lo đó. Hãy tự hỏi bản thân thực sự muốn gì và dành thời gian để tìm ra cách để đạt được điều đó.

2. Đặt mục tiêu và theo dõi chúng

Đặt mục tiêu cho bản thân không chỉ mang lại cho bạn cảm giác luôn hướng về cuộc sống tích cực mỗi ngày, mà còn khiến bạn có trách nhiệm hơn với mỗi quyết định và hành động bản thân đưa ra. Hãy vạch ra những gì muốn hoàn thành mỗi ngày, tiếp đến là mỗi tuần và mỗi năm.

Hãy cụ thể hoá bằng cách viết nó ra giấy, đọc đi đọc lại mỗi ngày, thậm chí cho đến khi nó trở thành nỗi “ám ảnh” với bạn. Điều đó giúp bạn tăng sự tự tin, có niềm tin vào bản thân và đích đến của mình. Đồng thời, bạn cần ưu tiên các mục tiêu và tập trung vào những điều quan trọng trước và đảm bảo rằng bản thân luôn theo dõi mục tiêu của mình một cách thường xuyên.

3. Liên tục tìm kiếm cơ hội để học hỏi

Việc học luôn phải được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động hàng ngày của bạn. Đừng lãng phí thời gian cho những thứ vô bổ, hãy đọc, nghe hoặc xem nội dung nào đó có thể giúp bạn làm việc thông minh, sáng suốt hơn. Bạn có thể cố gắng học một kỹ năng mới hoặc xem liệu bạn có thể học được điều gì đó từ đồng nghiệp của mình.

Đừng ngại đặt những câu hỏi quan trọng trong công việc. Đặt những câu hỏi phù hợp có thể ảnh hưởng đến kết quả của các quyết định và tăng hiệu quả làm việc của cả đội, nhóm. Đồng thời, việc đặt những câu hỏi giá trị còn cho thấy bạn có sự tham gia và tích cực trong hoạt động làm việc nhóm.

4. Tránh ôm đồm nhiều việc cùng lúc

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát, việc làm nhiều việc cùng một lúc có thể làm giảm năng suất của bạn lên đến 40%. Hầu hết các tác vụ đa nhiệm đều không hiệu quả vì chúng ta không thực sự đa nhiệm. Việc chuyển đổi công việc nhanh chóng khiến bản thân dễ bị phân tâm và kém tập trung, từ đó hiệu quả cũng bị giảm sút.

Vì vậy, hãy dừng việc làm “gián đoạn” bản thân đang tập trung cho một công việc nếu không cần thiết để phải xử lý việc khác. Hãy tập trung giải quyết từng nhiệm vụ một và làm tăng khả năng làm nhanh chóng, nhưng vẫn giữ được năng suất cao để làm việc tiếp theo.

5. Chiêm nghiệm về những phản hồi quan trọng hoặc tiêu cực

Mặc dù tiếp nhận tốt những phản hồi tiêu cực có thể là một kỹ năng khó để thành thạo nhưng nó thực sự là một phần quan trọng để thăng tiến trong sự nghiệp. Chìa khóa để đối phó với phản hồi tiêu cực hoặc gay gắt là tách rời cảm xúc khỏi thông tin nhận được và tập trung hành động thực tế.

Đặc biệt, đối với những phản hồi, góp ý từ những người quan trọng đến sự phát triển của bản thân, bạn cần chiêm nghiệm, để tâm và nghiêm túc nghĩ về chúng. Điều đó có thể giúp bạn có được cái nhìn sáng suốt hơn, ra quyết định đúng đắn hơn.

6. Tránh sự phân tâm

Nghiên cứu đã chỉ ra, trung bình một người bình thường bị phân tâm hoặc bị gián đoạn sau mỗi 40 giây khi làm việc trước máy tính. Chúng ta thậm chí không thể làm việc một cách trọn vẹn dù chỉ một phút mà không bị phân tâm! Bởi lẽ có quá nhiều thứ cám dỗ, gây xao nhãng đến bạn trong một ngày, một khoảnh khắc.

Do đó, để hoàn thành công việc và tăng khả năng tập trung tốt hơn, hãy tìm những cách đơn giản để vượt qua điều này. Hãy tạo cho mình một môi trường làm việc hạn chế tối đa sự xao nhãng có thể gặp phải. Hạn chế tối đa tiếng kêu từ điện thoại, người ngoài để không bị phân tâm. Và quan trọng hơn hết, bạn cần rèn luyện cho mình thói quen xử lý công việc một cách nghiêm túc, không bỏ dở và tự kỷ luật với chính mình.

TS Lê Thẩm Dương


Discover more from Sunny Lan

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a comment