Trẻ bị rối loạn tâm lý tâm thần vì chơi game

PNO – Hơn 1 tuần nữa là năm học mới chính thức bắt đầu, nhưng không ít phụ huynh lo lắng vì con vẫn chưa sẵn sàng quay lại nền nếp sinh hoạt thường nhật. Đặc biệt, một số bé có biểu hiện bất thường về tâm lý tâm thần do tiếp xúc với thiết bị điện tử, chơi game quá nhiều.

Không chỉ con chị V. bị mắc hội chứng Tic sau kỳ nghỉ hè, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 – cho biết, trong 1 tháng cuối hè, ông đã tiếp nhận 10 trường hợp liên quan tới hội chứng Tic, cao gấp 3 lần thời điểm trong năm học. Những bé này đi khám chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh rồi được phát hiện mắc hội chứng Tic, sau đó được yêu cầu khám tâm lý để phối hợp điều trị bệnh. Bên cạnh đó, còn cả những trẻ đã có biểu hiện của Tic từ trước đó nhưng trong kỳ nghỉ hè, các bé được chơi game nhiều hơn nên triệu chứng bệnh trầm trọng lên.

Cách đây 2 ngày, bác sĩ Đinh Thạc đã khám cho 2 trường hợp mắc hội chứng Tic. Đó là bé trai N.T.V. (12 tuổi) ngụ ở tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, bé có tiền sử bị giật nhẹ ở môi, hay nháy mắt. Khi nghỉ hè, bé rất mê game, ôm điện thoại suốt ngày. Gần đây, mẹ bé thấy con bị co giật cả ở tay và chân nên lo lắng, đưa đi TPHCM khám. Còn bé gái N.V.A. (10 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An) được mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám tai mũi họng bởi con hay khụt khịt mũi và ho húng hắng. Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện bất thường ở tai mũi họng nên bé được chuyển qua chuyên khoa thần kinh. Tại đây, bác sĩ xác định bé A. mắc hội chứng Tic. Theo người mẹ, suốt mùa hè, ngày nào bé A. cũng thức tới 1 giờ sáng xem YouTube. 

Rối loạn giấc ngủ và hành vi

Theo bác sĩ Đinh Thạc, sở dĩ chơi game, tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử có nguy cơ làm khởi phát và khiến hội chứng Tic trở nặng hơn là do sóng điện từ phát ra từ những thiết bị này tác động đến tế bào não. Sóng điện từ kích thích làm hưng phấn dây thần kinh vận động. Chính vì vậy, trẻ mắc hội chứng này hay bị nháy mắt, co giật, khụt khịt mũi, ho húng hắng không kiểm soát. Nếu không được can thiệp kịp thời thì các biểu hiện của bệnh sẽ nặng hơn. Khi trẻ lo lắng và phấn khích quá mức rất dễ gây hấn, hành hung người khác. Một số ít có thể bị biến chứng thần kinh gây rối loạn giấc ngủ. Trẻ từ 11-12 tuổi dễ bị mắc hội chứng này nhất, với tỉ lệ trẻ nam cao gấp 3 trẻ nữ.

Phụ huynh chớ nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện rung giật những nhóm cơ ở vùng mặt, tay, chân (nhất là những trẻ có thói quen chơi game, hay tiếp xúc với các thiết bị điện tử). Lúc này, phụ huynh cần đưa con đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa tâm lý để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Hội chứng Tic cấp tính có thể điều trị khỏi nhưng cần kiên trì từ 6 tháng đến 1 năm. Tùy biểu hiện của bệnh mà trẻ sẽ cần phối hợp với chuyên khoa thần kinh, tâm lý (rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi), vật lý trị liệu phục hồi chức năng… Bệnh không được can thiệp sớm sẽ diễn tiến thành mạn tính, ảnh hưởng tới sự hòa nhập cuộc sống của trẻ sau này.

Ngoài ra, bác sĩ Đinh Thạc còn ghi nhận rất nhiều vấn đề rối loạn tâm lý tâm thần khác ở trẻ liên quan tới nền nếp sinh hoạt bị xáo trộn trong kỳ nghỉ hè. Số bệnh nhi này chiếm 20% trong tổng số ca bệnh tới khám tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ đầu tháng Tám tới nay.

Điển hình là trường hợp của bé trai P.V.H. (7 tuổi) ngụ tại TP Cần Thơ. Bé mê mẩn máy tính bảng, ôm theo suốt ngày. Vào khoảng giữa tháng Sáu, khi tới giờ đi ngủ, mẹ nhắc nhở thế nào bé H. cũng không nghe lời. Khi cả nhà tắt đèn đi ngủ, bé H. vẫn thức để chơi máy. Mỗi ngày, bé chỉ ngủ có 2-3 tiếng. Tình trạng này kéo dài tới cuối tháng Bảy thì bé H. thay đổi tâm tính. Bé hung hăng, cộc cằn hay gây hấn, thậm chí la hét, ném đồ đạc và lao vào tấn công cả người lớn khi bị cấm chơi máy. Trường hợp của H. được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi do nền nếp sinh hoạt xáo trộn, nghiện game gây ra. 

Bên cạnh đó, còn nhiều trẻ ở độ tuổi tiểu học, THCS phải đi khám tâm lý do rối loạn hoạt động gây kém tập trung và giảm ghi nhớ. Đó là vì ban ngày trẻ hoạt động nhiều quá làm não bộ bị quá tải. 


Discover more from Sunny Lan

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a comment